Sinh ra lớn lên tại khu ghetto nghèo đầy tội phạm thường thấy tại các thành phố lớn, John không có cha, mẹ nghiện ngập suốt ngày. Bao nhiêu tiền chính phủ trợ cấp hàng tháng cho gia đình nghèo, mẹ anh dùng mua rượu, thuốc.
John nhiễm theo tính xấu môi trường chung quanh, tuy chưa dính vào ma túy, nhưng thỉnh thoảng trốn học, cạy cửa xe, đột nhập nhà ăn trộm để có tiền mua những món đồ mình thích. John cũng từng bị cảnh sát bắt một lần nhưng dưới tuổi trưởng thành nên chưa phải ngồi tù.
Do mẹ anh không còn tiền mua thực phẩm, John ăn sáng ăn trưa tại trường học được Bộ Xã hội tài trợ cho học sinh nghèo. Chiều tối John cuốc bộ đến nhà ăn từ thiện dưới phố dành cho người khốn khó. Đến đây ăn đã nhiều năm nhưng John không quen ai trong nhóm thiện nguyện, bởi mỗi ngày có những nhóm khác nhau tham gia phục vụ.
Người duy nhất John nhớ đến là ông già tuổi ngoài 70 thường làm vào chiều thứ Bảy. Mỗi lần gặp, ông cười tươi, chào mọi người đến ăn rất chân tình. Ông khéo léo múc các món thức ăn vào khay, tươm tất gọn gàng. Khi đưa khay thức ăn, ông bao giờ cũng niềm nở, chúc người ăn ngon miệng như thể đang phục vụ cho vị khách cao quý tại nhà hàng sang trọng nào. Mỗi lần gặp ông, John cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng khi vắng người, thấy John ngồi ăn lẻ loi một mình, ông pha ly nước cam đem đến.
John thường không giấu ông điều gì, ngay cả chuyện đánh nhau ở trường hay cạy xe ăn cắp vặt bị cảnh sát bắt. Ông ngồi nghe chăm chú gật gù, cám ơn người thiếu niên to lớn tuổi teen đã chia sẻ. Sau mỗi lần trò chuyện, ông luôn cười rất tươi khuyên John:
- Làm cậu bé tốt tính đi! Đừng làm chuyện dính vào phiền phức nữa, khi đến tuổi trưởng thành sẽ không tốt cho cháu.
John bản tính ương ngạnh, máu giang hồ ảnh hưởng từ khu ghetto, cười lanh lảnh, chỉ vào bắp tay cuồn cuộn, tự hào:
- Cháu mạnh, chắc như đá tảng. Không ai làm gì được cháu đâu!
Không giống như những người khác đến dùng cơm một thời gian rồi ra đi, John đến đây hàng ngày, năm này qua năm kia nên tất cả các nhóm thiện nguyện đều biết đến cậu tuổi teen này. John trở nên thân thiết gắn bó với ông già, gọi ông thân mật hí hỏm bằng cái tên tự đặt: Ông già Cool (cool: vui vẻ, điềm tĩnh).
Bẵng đi một thời gian dài John đột nhiên biến mất không đến dùng cơm. Mọi người thắc mắc muốn tìm hiểu nhưng không biết địa chỉ. Mấy tháng sau, viên cảnh sát đến tìm ông Cool tại nhà ăn, trao bức thư:
“Ông Cool ơi, cháu đã 20 tuổi rồi, đang ngồi tù vì tội trộm cướp. Mẹ cháu mất hơn nửa năm nay. Tháng tới cháu sẽ được thả nhưng không biết phải đi đâu, làm gì để sống. Với hồ sơ tội phạm nếu không người bảo lãnh sẽ không ai muớn cháu, dù có tiền thuê nhà không ai sẽ cho cháu thuê. Cháu không muốn sống trở lại với giới giang hồ để tiếp tục con đường cũ. Cháu muốn làm người tốt, ông ơi!”.
*
Buổi chiều bước chân ra khỏi nhà tù, nét mặt John mệt mỏi, hoang mang cực độ sau một đêm trằn trọc. Cảm giác được tự do không đủ làm anh vui khi đối diện tương lai vô vọng phũ phàng. John thất thểu bước đến trạm đăng ký xe miễn phí dành cho tù nhân mãn hạn, dù không biết phải đi đâu. Hình như có ai đang vẫy tay nơi xa xa. Nụ cười tươi mát ấy, khuôn vóc điềm tĩnh ấy, không thể nào ai khác, John mừng rỡ kêu to, anh chạy ào đến ôm choàng, siết chặt:
- Ông Cool!
Ông xoa nhẹ, vỗ về tấm lưng chắc thịt của người thanh niên mới lớn, ông cho biết các nhóm thiện nguyện tại nhà ăn đã quyên góp mướn căn phòng gần đó giúp anh có nơi cư trú trong 6 tháng. Ông sẽ chở John về nhà ở tạm đêm nay rồi ngày mai đi nhận phòng. John bàng hoàng như không tin vào chính tai mình. Mới vài phút đây thôi anh thấy cô đơn lạc lõng tận cùng. Thế giới như không có anh, loài người như không biết đến sự hiện hữu của anh. Cảm giác được yêu thương, được chấp nhận làm John xúc động mạnh. Mắt anh hoen ướt đầu tiên trong đời.
Ông Cool sống một mình trong căn nhà nhỏ chỉ có một phòng ngủ nhưng có phòng khách lót sàn gỗ khá rộng thoáng. Nơi đây ngoài mấy kệ sách, vài tấm gối ngồi trên sàn của Nhật (tọa cụ), có chiếc bàn thô sơ chưng bức tượng đồng ngồi mỉm cười thật đẹp mà John không biết là ai và có ý nghĩa gì.
Ông Cool làm sẵn món mì Ý đãi John trong buổi cơm chiều. John kể cho ông nghe nhiều khía cạnh khốc liệt đời sống trong tù. Ông chăm chú lắng nghe, gật gù. Dùng bữa xong, ông khuyên John đi tắm để ông lót nệm ngoài phòng khách cho John ngủ tối nay. Khi tắm xong, John bước ra, không gian thanh tịnh lạ lùng. Anh chợt giật mình khi thấy ông Cool phong thái rất an nhiên, ngồi thẳng lưng lặng im giữa căn phòng, miệng mỉm cười cùng bức tượng trên bàn.
Đột nhiên ông nói khẽ:
- Cháu ngồi xuống đây bên cạnh ta, trên tấm gối này, chúng ta cùng trò chuyện.
John nghe lời, ngồi xuống như dáng ông ngồi, nhìn vào bức tượng đang mỉm cười. Không gian lắng đọng, anh nghe được cả hơi thở chính mình.
Ông Cool hỏi John:
– Cháu kể về đời sống trong tù, thế cháu có dự tính gì sau khi ra tù không?
- Cháu không biết bắt đầu ra sao ông ạ, mọi chuyện đối với cháu như ngõ cụt. Cháu may mắn được ban thiện nguyện giúp 6 tháng tiền trọ, nhưng sau 6 tháng cháu cũng không biết phải làm gì.
Vẫn nhìn bức tượng mỉm cười, dáng an nhiên bất động, ông lên tiếng:
– Thật ra cháu đã biết bắt đầu rồi đấy chứ. Cách đây 1 tháng, cháu biết bắt đầu bằng nhận thức rằng mình phải làm người tốt. Chính điều ấy đã gieo mầm cho những điều tốt đẹp hôm nay. Nếu cháu tiếp tục con đường làm người tốt thì điều tốt đẹp sẽ tiếp tục đến với cháu.
- Nhưng cháu tiếp tục như thế nào hở ông? Cháu sẽ cố gắng xin việc làm, nhưng cháu không có kinh nghiệm gì. Ai sẽ mướn một người từng ở tù như cháu?
Nhẹ nhàng, ông Cool khuyên:
- Cháu hãy cố gắng kiếm việc làm hàng ngày. Ai cũng muốn thuê người tốt. Vậy cháu nên làm gì để mọi người có cơ hội biết cháu là người tốt?
Suy nghĩ một lúc lâu, John lên tiếng, giọng vẫn còn rổn rảng, khô cứng của giới giang hồ:
– Mỗi ngày ăn ở nhà ăn thiện nguyện, cháu sẽ giúp dọn dẹp, rửa chén hoặc bất cứ việc gì cần làm.
Ông Cool đôi mắt sáng biểu lộ niềm vui:
– Thật tuyệt vời! Cháu thấy không? Cháu biết mình phải bắt đầu như thế nào mà.
Chỉ vào bức tượng trên bàn, ông nói tiếp:
– Làm người tốt bao gồm làm người chung quanh cảm thấy an vui. Mỗi ngày cháu ráng bỏ ra 10 phút, ngồi một mình, thở nhẹ nhàng, tập cười như bức tượng kia cười. Gặp ai cháu cũng cười nhẹ nhàng như bức tượng nhé. Làm được như thế, nhiều điều mầu nhiệm sẽ đến. Cháu sẽ thấy đời sống đáng yêu, âu lo cũng bớt đi rất nhiều. Mấy mươi năm nay mỗi ngày ông đều ngồi tập cười như thế.
John trầm trồ:
– Ồ, thì ra vì thế mà ông lúc nào cũng cười rất tươi mát với mọi người. Ai cũng thân thiện quý mến ông. Làm thế nào cháu cũng có một tượng như thế? Tượng là Buddha (Phật) phải không ông? Phật là vị thánh như thế nào?
– Ông sẽ cho cháu một tượng như thế. Phật là người có thể tự tại mỉm cười trước mọi hoàn cảnh. Cháu có thể nghĩ đơn giản rằng: Phật là người lúc nào cũng cool. Sau này cháu muốn tìm hiểu thêm, ông sẽ nói thêm.
*
Ngày đầu tiên John trở lại dùng cơm tại nhà ăn, mọi người vui vẻ đón chào. Khi anh ngỏ lời muốn giúp những việc lặt vặt tại đây, các nhân viên từ thiện đều đồng ý nhưng có chút ưu tư trong lòng: không biết tính khí giang hồ trước đây của anh có làm công việc khó khăn nặng nề thêm? Thế nhưng chỉ sau vài ngày, mọi người thì thầm bàn tán “thằng John rổn rảng ngang ngược ngày trước sao giờ dễ thương quá đỗi!”.
John không hề câu nệ bất cứ việc gì, từ lau chùi dọn dẹp cho đến nấu nướng. Anh tâm niệm lời ông Cool dạy, lúc nào cũng niềm nở cười tươi. Gặp những người già, anh tận tình đem đồ ăn thức uống đến tận bàn và thỉnh thoảng hỏi han cần thêm chi. Chỉ một tháng, hơn trăm nhân viên tình nguyện của các tổ chức phục vụ tại đây đều quý mến John. Sau hai tháng, biết John hằng ngày nỗ lực xin việc làm, ông chủ chuỗi nhà hàng sang trọng thỉnh thoảng đến đây làm thiện nguyện đã ngỏ lời mướn anh.
Ông ta nói với John:
- Anh làm việc không lương mà vẫn vui tươi tận tình như thế thì tôi biết khi có lương anh sẽ làm tốt hơn thế nữa.
John như không tin vào tai mình, vui mừng cực độ khi lần đầu tiên trong đời được mướn đi làm.
Anh đến vội nhà ông Cool báo tin. Gặp ông, anh dang hai tay lên trời sung sướng hét to:
- Ông ơi! Thật nhiệm mầu, cháu có được việc làm rồi! Cháu thật không ngờ những điều ông dạy đơn giản như thế lại thành sự thật. Lãnh lương đầu tiên, cháu sẽ đãi tiệc ông.
Ông Cool hân hoan, giọng điềm đạm từ tốn:
– Ông thật vui cho cháu, nhưng phải nhớ nhé, mỗi ngày cháu tiếp tục cố gắng bỏ ra ít phút tập thở và cười. Nếu mình bỏ lơ đi một ngày thì sẽ từ từ thành hai ngày và rồi đánh mất chính mình tự lúc nào. Điều mầu nhiệm cũng sẽ biến mất. Thực hành trong mỗi ngày nhắc nhở ta sống trong ý thức, nhắc nhở ta sống trong chánh niệm.
John hỏi:
– Chiều Chủ nhật hàng tuần, ông cho cháu đến nhà ngồi chung với ông nhé, để dạy cháu thêm?
Ông Cool nhìn John trìu mến, vỗ nhẹ vào vai anh:
- Được chứ, ông rất vui khi cháu đến!
Cuộc sống John kể từ đó thuận buồm xuôi gió, anh được tài trợ đi học thêm, thăng tiến chức vụ theo năm tháng, từ người hầu bàn, thành ca trưởng, trợ lý. Mười năm sau anh được thuyên chuyển qua tiểu bang khác làm quản lý nhà hàng. Tuy xa ông Cool nhưng anh vẫn liên lạc mỗi tuần và hàng ngày thực hành lời ông dạy.
Một hôm, khi gọi thăm như thường lệ, anh rất ngạc nhiên khi nghe giọng nói đầu dây khác lạ. Qua vài câu xã giao thăm hỏi, giọng người lạ báo tin:
- Tôi là cháu Thiền sư Sota từ tiểu bang khác về, cách đây vài hôm bệnh viện báo tin ông đã qua đời anh ạ. Ông ra đi khuôn mặt vẫn cười rất an lạc. Ông có để lại di chúc, trong đó có nhờ anh tí việc.
*
Một ngày mùa xuân, người đàn ông tên John tuổi ngoài 30, theo lời dặn trong di chúc để lại của ông lão dạy thiền nơi miền Tây bắc Hoa Kỳ, lái xe hơn 2 ngàn cây số xuôi Nam tìm đến Vườn quốc gia Zion, bang Utah, Hoa Kỳ. Đoạn đường dài như bất tận ấy, một mình lái xe, John thả hồn trong cảm xúc nhớ thương ông lão vô biên…
Sau một đêm nghỉ ngơi tại nhà trọ trong Vườn quốc gia, sáng sớm anh hỏi người quản lý giúp nhận định địa điểm tên một đỉnh núi trong hơn mấy chục đỉnh tại đây, John lần theo đường mòn đi bộ lên đỉnh núi cao. Con đường trắc trở, khi đi, khi trèo qua những khối đá, phải mất 4 giờ John mới tới nơi. Anh loay hoay ngang dọc trên đỉnh một lúc lâu rồi thốt lên mừng rỡ:
- Ô, đây rồi! Ôi, đẹp quá!
Một cây tùng xanh tươi mọc ngay trên bờ đông của đỉnh mà một phần thân trườn ra bên ngoài vực sâu thăm thẳm cả ngàn mét. Gió ở đây khá mạnh, rít từng cơn làm John cảm tưởng có thể hất văng anh xuống vực bất cứ lúc nào.
John mở ba-lô lấy hộp đựng tro, anh quỳ xuống, cẩn thận tỉ mỉ, rót từng giọt tro qua những khe đá nơi rễ cây tùng mọc. Xong việc anh ngồi đối diện cây tùng, hồi hộp mở lá thơ ông Cool để lại, không biết ông viết gì trong ấy mà phải đến đây mới được đọc.
John giọng mỗi lúc mỗi nghẹn ngào:
“Thời trai trẻ biết bao lầm lỗi, ta lang thang đến đây. Trong tuyệt vọng chán chường ta có ý định nhảy xuống vách núi kết liễu cuộc đời. Nhưng mi - cây tùng bỗng nhiên hiện diện vững vàng ngay trên vách. Ở đây chỉ có đá và gió, thân mi thì có thể rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào, nhưng mi vẫn sống khỏe trên vùng núi khắc nghiệt này, vẫn xanh, vẫn tươi mát chở che soi bóng cho hòn đá thô cứng bên cạnh. Cám ơn mi cứu mạng, giúp ta bài học nhiệm mầu. Xin gởi đám tro tàn góp phần cho mi”.
Nước mắt John tuôn chảy, xúc cảm từng cơn chấn động châu thân. John thấy mình hết sức phước đức được ông Cool bằng xương bằng thịt chỉ dẫn từng bước trong cuộc sống. Còn ông Cool khởi đầu chỉ có cây tùng. Anh thấy mình có nhiệm vụ làm cây tùng tiếp nối cho những hòn đá khác.
Nghẹn ngào, hùng tráng, anh ngâm to bài thơ ông Cool làm cho cây tùng trên đỉnh núi cao, giữa không gian lộng gió:
Núi sừng sững cao
Vực thăm thẳm sâu
Gió cuồng điên bạt!
Sấm gầm động vang!
Hề ta đứng! Mỉm cười cùng năm tháng
Soi bóng đời che chở đá cô liêu.
Huyền Lam
Archives
Tâm Tịnh Cõi Nước Tịnh.
Có một vị Phật tử rất thuần thành, mỗi ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến chùa dâng
cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến cúng Phật, tình cờ gặp thiền sư từ giảng đường đi ra.
Thiền sư hoan hỷ nói: Con mỗi ngày đều chí thành mang hoa hương đến cúng Phật như thế, y theo lời ghi:
“Người nào thường dùng hoa hương cúng Phật, đời sau sẽ được quả báo tướng mạo xinh đẹp”.
Cô Phật tử rất vui đáp:- Đây là việc nên làm, con mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật, tự cảm thấy trong tâm
mát mẻ, giống như đã tẩy sạch hết các lỗi lầm, nhưng về đến nhà thì tâm khởi lên buồn phiền, vì gia đình
chúng con ở giữa phố thị ồn ào thì làm sao giữ được tâm thuần trong sáng thanh tịnh được.
Thiền sư hỏi: Con dâng hoa tươi cúng Phật, chắc là con có chút hiểu biết về hoa.
Bây giờ thầy hỏi con, làm thế nào để giữ gìn cho hoa thường được tươi đẹp.
Phật tử đáp:- Phương pháp giữ cho đóa hoa tươi đẹp là mỗi ngày phải thay nước và cắt bỏ một phần
dưới của thân hoa,vì phần dưới thân ngâm trong nước nên dễ bị hư thối, khi hư thối thì không hút được
chất dinh dưỡng, dẫn đến hoa mau héo tàn.
Thiền sư nói:- Việc giữ gìn tâm trong sáng thanh tịnh cũng như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta
cũng giống như nước trong bình. Chúng ta chính là hoa, chỉ có thường xuyên thanh lọc thân tâm thanh tịnh, sửa đổi tập khí và không ngừng sám hối, tự kiểm điểm, cải thiện tật xấu, khuyết điểm, mới có thể
thu nhập được nhiều hạnh phúc an vui.
Phật tử nghe xong, hoan hỷ lễ tạ, nói:- Cảm ơn thầy đã chỉ dạy.
Hy vọng sau này con có cơ hội sống gần thầy, được làm người tu thiền sinh hoạt trong thiền viện của thầy, được thưởng thức tiếng chuông trống sớm khuya, yên tĩnh đọc lời kinh tiếng kệ.
Thiền sư nói:
– Con hít vào thở ra mà TÂM KHÔNG CHẤP MẮC CHUYỆN ĐỜI là đọc kinh.
Tim đập mạch máu động là tiếng chuông, tiếng trống.
Thân thể là thiền viện.
Hai tai nghe tỉnh giác là Bồ đề.
Nếu con làm được như thế thì ở đâu cũng được an vui,
hà tất phải đợi đến được sinh hoạt ở thiền viện!? (*___*)
ĐƯỜNG VỀ NGUỒN HẠNH PHÚC
I/ Tìm hạnh phúc bằng thỏa mãn tham vọng
Trong đời thường, bất cứ là ai, từ trẻ đến già, nam hay nữ luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đôi khi rất xa mà có lúc lại rất gần. Có những lần ta ngỡ nắm được nó trong tay nhưng rồi hạnh phúc chợt tan biến như một bào ảnh. Thế là ta khổ đau, rồi lại hì hục lao đi tiếp tục kiếm tìm. Ta tin rằng nếu những đòi hỏi, những ước vọng của mình được thỏa mãn là ta có hạnh phúc, khi được vừa ý, xứng lòng là ta có hạnh phúc. Có thật như vậy không? Đây vẫn là câu hỏi chứa nhiều ẩn số…
Đây là một đoạn trong lời tâm sự của T. bác sĩ triệu phú, anh ra đi chỉ vài ngày sau khi chia sẻ những lời này vì chứng cancer phổi.
“Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Nhưng tôi lầm …”.
Từ lúc nhỏ, anh đã được gia đình và xã hội gieo vào trong anh khái niệm “Nếu thành công sẽ có tất cả, kể cả hạnh phúc”. Thành công là có tiền, nhiều tiền. Anh đã nổ lực ganh đua và thành công mọi lãnh vực từ lúc nhỏ. Theo đà ganh đua và thành công đó, anh lớn dần và khái niệm đó trong anh cũng được tô bồi, nuôi dưỡng thành sự ham muốn không dừng nghỉ. Anh như con thiêu thân lao vào ánh đèn, cứ lao tới, ganh đua đạt thành quả. Anh ra trường với cấp bằng bác sĩ ưu tú về mắt nhưng thấy trị bệnh, tiền không nhiều, anh xoay qua mở phòng mạch giải phẩu thẩm mỹ, dễ có tiền hơn, thế là anh miệt mài làm việc, say mê kiếm tiền, quên thời gian, quên nghỉ ngơi và chỉ ít lâu sau, anh thành triệu phú. Những gì anh mơ ước, mong muốn, anh đã có. Từ nhà cửa, xe và những phương tiện khác anh dùng, toàn là cao cấp, ít ai sắm nổi. Nhưng, tiền tài, danh vọng, địa vị, phương tiện sống, tất cả đã vuột khỏi anh, kể cả sự sống. Anh đã ra đi khi vừa bốn mươi tuổi.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, phẩm Tham đắm các dục, Phật dạy:
Người thuận theo lòng dục,
Để mong được danh tiếng
Khi danh tiếng vừa nổi
Thì thân này mất rồi.
Giống như người đốt hương
Khi người nghe mùi hương
Thì cây hương tàn rồi.
Khi mọi người ngửi được mùi hương thì cây hương bắt đầu tàn, hưởng trọn mùi hương thì cây hương cũng hết. Anh cũng vậy, lúc bắt đầu có những gì anh muốn là sự sống của anh cũng bắt đầu giảm, đến khi anh có tất cả, sự sống của anh cũng chẳng còn, như cây hương tàn. Cái gì đã hủy hoại anh? Suốt đời anh sống có hạnh phúc không? Người đuổi theo thành đạt hàng ngày sống bằng tâm trạng nào? Hình ảnh máng cỏ tươi treo trước mặt con lừa và con lừa cứ lao tới, lao tới, nó nghĩ, khi được máng cỏ tươi nó sẽ vui, sẽ hạnh phúc biết bao…
Như vậy, khi được thỏa mãn những đòi hỏi, những ước muốn, ta vui, niềm vui này là thứ hạnh phúc nhất thời vì ngay lúc vui, bóng dáng của lo âu, sợ hãi đã ập tới, ta sợ mất hay ta nhàm chán những gì đang có và tính toán để có hơn nữa. Hạnh phúc nhất thời và khổ đau là hai mặt của cuộc sống, mặt này xuất hiện là mặt kia chờ sẵn. Chỉ có niềm vui khi quay về hiểu rõ chính mình và tháo gỡ những lầm chấp ở nội tâm … hạnh phúc ấy mới vững bền, là hạnh phúc chân thật. Vậy, hạnh phúc không đến từ bên ngoài, và cũng không xa, chỉ khi nào bóng tối lầm chấp khổ đau trong ta không còn thì bình minh hạnh phúc có mặt.
Bóng hạnh phúc không còn xa xôi nữa
Nếu lòng ta thật sự hiểu chính mình.
Đêm mù tan, ta lại đón bình minh
Và sức sống chan hòa trên mọi nẽo…
II/ Tìm hạnh phúc bằng thắp sáng tuệ giác
a/ Từ Kinh Tứ Diệu Đế….
Thắp sáng trí tuệ là điều quan trọng và cần thiết mà Thế Tôn muốn trao truyền. Ngày xưa Đức Phật thành tựu đạo quả cũng nhờ con đường nội quán này. Bao đời chư Tổ Ấn độ, Trung Hoa, Việt nam cũng truyền nhau, trí tuệ nội quán này. Các ngài luôn nhắc nhở ta, hãy quay lại khám phá sự vận hành của nội tâm, nhờ đó, ta nhận ra nhiều lớp sự thật về mình. Các kinh điển từ nguyên thủy đến đại thừa đều hiển bày tinh thần này…
Tứ Diệu Đế, bài kinh căn bản của đạo Phật, giúp mọi người dứt khổ, sống vui nhờ nhận ra bốn sự thật nơi chính mình.
Tinh thần của Tứ Diệu Đế giúp ta hiểu rõ về mình, về những sự thật nơi mình, nhờ hiểu rõ những sự thật về mình nên giải thoát. Nên người giải thoát phải là người hiểu rõ nội tâm mình. Chưa biết buồn, vui, giận hờn, sợ hãi luôn xảy ra nơi thân tâm là khổ, và vì sao những phiền khổ đó có mặt? thì cái ngã và ngã chấp vận hành hàng ngày làm sao nhận ra? Không thấy sự vận hành của ngã và ngã chấp ở nơi ta hàng ngày như thế nào, làm sao biết thực chất của nó là gì? Đâu thể nào, Phật nói không thật, kinh nói hư giả rồi mình cứ lầm bầm nói cái tôi không thật, cảnh như huyển được. Nếu cái tôi không thật, cảnh huyển hóa, vậy sao khi va chạm, khi đụng chuyện ta bị nó khống chế? Nếu tất cả do duyên hợp, tại sao ta phiền giận không hay biết và trách móc người? Cho nên ta không thể nói suông, nói suông vô ích, chỉ đếm tiền giùm người khác thôi, còn mình vẫn trắng tay.
Có vị tăng đến nói với một vị Thiền Sư:
– Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu?
Thiền Sư bảo:
– Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi?
Vị tăng nói:
– Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.
Thiền Sư liền tát cho ông một tát bảo:
– Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại!
Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Thiền Sư cười bảo:
– Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?
Ta nên đi thẳng vào nội tâm mình để nhận ra nhiều lớp sự thật và thấu suốt nhiều lớp sự thật này để sự thật tối thượng hiển lộ. Như nhiều lớp mây tan và mặt trời chiếu sáng. Đến chỗ này, cội gốc Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ đã xum xuê cành lá sẵn sàng trổ hoa trái Bát Nhã. Cũng như hàng Thanh văn phát tâm dấn thân trên con đường Bồ Tát để thành tựu Vô thượng Bồ đề …
b/ Đến Kinh Bát Nhã.
Đại diện hệ phái kinh đại thừa là kinh Bát nhã.
Đức Phật đã hiển bày trí tuệ cứu cánh Bát nhã bằng bài kinh thật ngắn gọn, nhưng là cốt tủy của đạo Phật – Tâm kinh – hay Kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn. Mở đầu bài kinh, Bồ tát Quán Tự Tại khi quay lại nhìn sâu vào nội tâm, liên tục, ngài thấy rõ năm uẩn không thật có, ngài liền dứt khổ. Năm uẩn là năm thứ chứa nhóm, hợp lại để hình thành một con người. Sắc, thân thể, Thọ, những cảm thọ ( vui buồn giận hờn thương ghét…) Tưởng, những nhớ tưởng, nghĩ tưởng về chuyện này chuyện nọ, những hình ảnh đã qua hay chưa tới v..v…, Hành, những ý nghĩ nối tiếp nhau sinh diệt không dừng và Thức, cái phân biệt sạch dơ, đúng sai, tốt xấu, thương ghét ..v…v… Ngài đi vào mỗi uẩn và thấy rõ nhân duyên hình thành từng uẩn để thực chứng tướng không thật của mỗi uẩn. Năm uẩn đã không thật thì bản ngã làm sao có? Cái tôi không thật thì ai khổ? Chứng ngã không nhưng phải chứng luôn pháp không, từ Mười Hai Nhân Duyên đến Tứ Diệu Đế và Niết bàn, tất cả đều không thật có. Ngay cả Vô Thượng Niết Bàn cũng là như chiêm bao, như bọt nước. Từ tinh thần vô sở đắc này, Bồ tát tự tại đi vào các cõi hóa độ chúng sanh không chướng ngại. Đến đây thì mây tan mặt trời trí tuệ thường sáng. Bồ tát chứng thật tướng Bát nhã, tiếp tục lợi sanh để thành tựu quả Phật.
Cho nên tinh thần Bát nhã là tuệ giác đi vào nội tâm để thấy chớ không phải để nghĩ tưởng, nói suông và để giúp ta phá lầm mê chứ không phải để chấp cứng hay chỉ hiểu rồi buông tất cả. Trước tiên, văn tự Bát nhã giúp ta hiểu Thế Tôn muốn truyền đạt ta điều gì. Rõ ràng, ngài muốn ta phải quay về tìm hiểu về mình, về trọn vẹn con người mình cùng những chấp thật của mình về các pháp thế gian và các pháp xuất thế gian, cuối cùng vào chỗ cứu cánh là trí tuệ Bát nhã, giải thoát. Phần này thuộc về phạm trù tư tưởng.
Quán chiếu Bát nhã là áp dụng chỗ hiểu này đi vào từng uẩn để nhận ra mỗi uẩn có mặt là do duyên hợp. Năm uẩn đều do duyên hợp nên không thật. Bản ngã cũng vậy. Giống như ta vào trong nhà cầm từng món đồ xem xét kỷ để biết những thứ ấy làm bằng gì. Các pháp bên ngoài, từ pháp thế gian đến pháp xuất thế gian, quán sát kỷ để nhận ra các pháp cũng do duyên hợp nên không thật. Trong, ngoài, lúc nào cũng rõ ràng, thấu suốt thực chất tâm, thân cảnh giới, thường như vậy mới gọi “trong ngoài rõ ràng thường biết” . Nhưng dù ngồi được thuyền Bát nhã, ngay cả chèo giỏi nhưng vẫn chưa tự tại hoàn toàn, vì còn vướng con thuyền, còn quán chiếu.
Đến khi thật sự vứt bỏ thuyền mới thể nhập thật tướng Bát nhã. Được tự do tự tại, đầy đủ diệu dụng. Như người lên bờ thì đâu cần thuyền nữa, muốn đi đâu thì đi, tự do.
Thiền sư Duy Khoan nói: Sãi tôi, 30 năm trước thấy núi là núi, thấy nước là nước. Đến khi gặp Thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Đến khi nhập vào chốn tịch tĩnh y nhiên thấy núi là núi, thấy nước là nước.
Lần thấy của 30 năm trước là cái thấy chấp thật của người thế gian, vì chấp thật nên sống mờ mịt trong khổ đau phiền muộn. Lặn ngụp, nổi trôi trong biển khổ. Đến khi gặp thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, là được người giới thiệu con thuyền Bát nhã, mỗi người có khả năng có thuyền Bát nhã, được chỉ cách ngồi thuyền và cách chèo thuyền Bát nhã vượt qua biển sóng gió (nghe giảng Bát nhã, hiểu lý Bát nhã, áp dụng quán chiếu Bát nhã vào nội tâm mình). Đến khi thể nhập chốn tịch tĩnh, ngã và pháp không còn, chứng Thật tướng Bát nhã, trong ngoài một thể nhất như, không còn quán chiếu, không cần thuyền Bát nhã nữa. Hoàn toàn giải thoát, tự do tự tại, hạnh phúc vô biên.
c/ Như vậy khám phá nội tâm hay con đường nội quán bắt đầu từ đâu? Làm sao để thấy được sự vận hành của nội tâm?
Tinh thần Tứ Diệu Đế là tuệ giác nội quán và tinh thần Bát nhã cũng là tuệ giác nội quán.
Bước đầu và cũng là phần căn bản trên con đường giải thoát là quay về phát hiện những cảm giác phiền khổ đang xảy ra nơi mình và nhận ra những phiền khổ ấy là do mình vướng vào những gì mình tin chắc chứ không phải do bên ngoài. Suy tư và chiêm nghiệm xem những gì mình tin chắc có phải là những bản vẽ của mình hay không? Có phải vì mình chấp thật những bản vẽ này mà mình khổ và mình lao đao, lận đận suốt đời cũng vì đem tâm huyết cả đời để thực hiện bản vẽ? Nhận ra chính mình làm mình khổ chứ không do hoàn cảnh hay ai khác. Cũng như anh bác sĩ trong câu chuyện trên, từ nhỏ đến lớn anh đã tận lực thực hiện bản vẽ của mình (có tiền là có tất cả, có luôn hạnh phúc) và anh say mê, miệt mài thực hiện, khi đến tột đỉnh của thành công, anh cũng vừa ra đi.
Bồ tát Quán Tự Tại dùng tuệ giác chiếu thẳng vào nội tâm, đây là giai đoạn hành trì, mà hành sâu sắc chứ không còn nằm ở phạm trù học hiểu, học hiểu thuộc văn tự Bát nhã. Nghĩa là, thực hành chứ không phải hiểu suông, nói suông hay chỉ dựa trên hiểu biết rồi buông thả mọi thứ cho đó là hành Bát nhã, tai hại hơn nữa là hiểu sai lầm rồi chấp cứng chỗ lầm lẫn ấy…
Trong câu chuyện thiền trên đây, vị thiền khách chấp vào “không”, vì chấp không nên ông cho là bốn đại, năm uẩn đều chẳng có, ngay cả mười pháp lành cũng không và ông tin là mình đúng do đó tâm nhân ngã sanh. Ông đến gặp vị thiền sư để khoe chỗ “tu sâu sắc” của mình và đến để tranh biện hơn thua. Khi vị thiền sư dùng thủ thuật kỳ diệu của thiền môn điểm hóa, cái phiền giận sôi bừng lên mặt, đang hủy hoại thân tâm mà ông chẳng nhận ra, thì làm sao ông biết được ông giận là do ông chấp cứng vào cái “không” và chỗ tin mình đúng? Đây là khổ và nguyên nhân của khổ. Ông mờ mịt như thế làm sao ông thấy được niệm gì dẫn ông tới đối thoại với vị thiền sư và cái tôi gì đang tạo tác? Những gì đang xảy ra trong nội tâm của vị thiền khách không phải vận hành của nội tâm sao? Nếu không quay về để ý mình làm sao phát hiện?
Trong đời, ta cũng vậy, khi cho là mình đúng, mình hay, giỏi.. ta liền chấp thật và tin vào những khái niệm này, thế là ta suy nghĩ, nói năng, hành xử theo những gì ta tin chắc, đến khi gặp những hoàn cảnh hay người khác nói hay làm ngược lại, ta phiền giận trách móc vì ta luôn nghĩ là hoàn cảnh hay đối phương làm mình khổ, (chứ không phải do mê lầm, chấp thật nên mình khổ). Vì vậy, ta thường làm mình khổ và người khổ mà không hay biết.
III/ Phần kết:
Suốt đời, ta đi tìm hạnh phúc nhưng ta lại đi ngược về hướng khổ đau. Nên ta chỉ nhận toàn là niềm đau nỗi khổ, hạnh phúc như máng cỏ tươi treo trước mặt con lừa để nó cắm đầu đuổi theo mãi hay có chăng là thứ hạnh phúc pha lẫn đắng cay nhưng ta cứ mãi thèm thuồng.
Trong Kinh Đức Phật dẫn một ví dụ: Có một số người bị bệnh phong cùi, họ tách rời xóm làng, sống quấn quýt bên nhau ven một cánh rừng, chung quanh một hố lữa hừng hực cháy. Mỗi lần bệnh phong lên cơn nhức nhối, họ nghiêng người hơ những mụt ghẻ trên hố lữa nóng mà gãi, càng gãi, họ càng thấy “đã” vô cùng. Họ quen tìm vui lúc bệnh phong cùi lên cơn, lúc những mụt ghẻ hành hạ. Một hôm, có người thầy thuốc giỏi, tìm vào chỗ những người cùi này. Ông hỏi:_ Các anh có muốn trị bệnh phong cùi để thân thể an lành, không còn bị hành hạ đau nhức và được tự do sống vui vẻ khắp mọi nơi không? Họ hỏi:_ Khi đó có giống như khi bọn tôi hơ và gãi ghẻ trên lữa cho “đã” không? Vị thầy thuốc đáp:_ Khi đó những mụt ghẻ không còn, thân thể các anh sẽ lành lặn. an bình. Những người cùi đều nói:_ Nếu vậy, ông chỉ cần trị cho chúng tôi hết đau nhức, còn những bệnh phong cùi xin giữ lại, để chúng tôi còn được hưởng cảm giác “đã” rất là hạnh phúc đó khi hơ ghẻ trên lữa và gãi…
Mê lầm từ thuở ban đầu nên ta chấp thật vào những thấy nghe, hiểu biết, cho là…, giống như người bị bệnh phong cùi. Những người này lại chấp cứng vào cảm giác “đã” mỗi lần hơ và gãi ghẻ trên lữa, dần dần quên mất mình đã từng đau khổ vì bệnh phong cùi và không còn muốn trị bệnh nữa. Cũng vậy, trong lò lữa nung nấu, bức bách của thế gian, ta tìm vui qua thỏa mãn những gì ta mong muốn, ta đòi hỏi mà quên đi mình đang sống trong lầm mê. Ngày nào còn bệnh cùi là còn đau nhức, rồi hơ lửa gãi cho “đã”, lấy đó làm vui. Không biết niềm vui ấy là mặt khác của lầm mê đau khổ.
Ta có muốn tỉnh ra những mê lầm, (cũng như biết mình đang bị bệnh phong cùi, cần phải trị dứt) để hưởng được nguồn hạnh phúc vĩnh hằng trong ta hay không?…
THÔNG HỘI
CÁI TÔI LUÔN THAY MẶT ĐỔI TÊN
Những ngày nóng bức cuối cùng cũng đi qua. Những ngọn gió đầu thu dễ chịu vô cùng. Ngoại cảnh đang từng bước chuyển mình để thích ứng với mùa thu tới. Con người cũng phải từng bước chuyển mình để thích ứng cuộc sống mới. Sự phát triển và hoại diệt của muôn loài, sự đổi thay của ngoại cảnh. Ngay cả dòng tâm thức của con người cũng từng sát na sinh diệt . Đó không phải cuộc sống luôn đổi mới, dòng đời luôn luân lưu, trôi chảy để lúc nào cũng mới mẻ, tươi mát sao?
Nhận rõ và thấu suốt sự vận hành này, dòng chảy này để biết mình là ai và cuối cùng mình đi về đâu, không phải là Thiền sao? Đây cũng chính là tinh thần giác ngộ mà đức Thế Tôn dạy. Nếu bên trong không thấu sự vận hành của nội tâm, ngoài không rõ được tiến trình sinh diệt của ngoại cảnh, đây là con mắt tâm chưa mở. Ta vẫn còn nhắm mắt mà đi, nhắm mắt mà sống.Trong đời thường, ta chỉ biết vay mượn mọi thứ, càng nhiều càng tốt, để tô bồi cái ta khôn ngoan, cái ta thông thái, cái ta giỏi giang của mình. Có câu chuyện Thiền rất thú vị: Sau giờ tọa thiền, trời tối, một anh thiền sinh mù, mượn cây đèn lồng của vị thầy để đi đường. Đang đi, chợt anh đụng vào một người đi ngược chiều với anh. Giận quá, anh quát: ” Bộ không thấy cây đèn người ta đang cầm sao? Người kia đáp: ” Đèn của anh tắt từ lúc nào rồi anh ơi “. Từ lúc nào, tuệ giác ta đã vắng mặt, sự nội quán không có nên thường không biết rõ về mình, về sự vận hành của tâm thức, về con người mình. Ta chỉ vay mượn những kiến thức, những kinh nghiệm bên ngoài để trang bị, khoe khoang và bảo vệ mình. Bình thường, ta thao thao không ngừng về cái thấy xa, hiểu rộng, cái vốn hiểu biết và kinh nghiệm cạn cợt của mình nhưng khi va chạm sự thật, ta ú ớ, ta… ” mất thần thông”, chỉ còn biết để phiền khổ khống chế và trách móc người, nếu khá hơn, ta chỉ chịu đựng hay tìm cách xoa dịu, khuất lấp cho yên. Con mắt tâm không mở, tuệ giác không có, hay dùng ngôn ngữ phổ thông hơn là không tỉnh thức nên không có khả năng biết được cơn giận hay buồn phiền từ đâu có. Anh chàng thiền sinh mù trong chuyện này, anh quá tin vào cây đèn anh đang cầm mà quên rằng có lúc nó cũng tắt, anh quên một sự thật là anh mù và đang đi ngoài trời tối, còn một sự thật rõ ràng nữa là, mình mù nên mình đụng người mà tưởng là người đụng mình….
Đức Phật dạy, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Ngọn đuốc này không có ai thắp sáng thay ta được, Phật, Bồ tát, chư Tổ hay các bậc Thầy chỉ cho ta biết, ta có nhiên liệu và có khả năng thắp lên ngọn đuốc tâm ấy, đuốc do ta thắp nên nếu lỡ tắt, ta biết thắp lại, dần dần ngọn đuốc cháy lâu hơn đến lúc sáng mãi. Thắp lên được ngọn đuốc tuệ giác, nhờ đó những máy động của thân,những vận hành của tâm thức lộ rõ. Tuệ giác càng sáng, ta thấy càng rõ và sâu sắc hơn, đằng sau những vận hành ấy là ai và cuối cùng thấu suốt nguồn gốc và thực chất khổ đau. Ngày xưa, buổi sơ khai, Thế Tôn chỉ dạy Kinh Tứ Diệu Đế và Thiền Tứ Niệm Xứ, đây là thiền kinh căn bản, là đầu mối khám phá nội tâm giúp người tu từng bước trên con đường nội quán để thành tựu sự giải thoát. Từ căn bản, nếu ta không hay biết hơi thở vào ra thế nào trong thân, cảm giác đau nhức, ngứa ngấy nơi thân thì làm sao ta để ý và rõ được những tâm hành sâu sắc khác như, buồn, phiền, giận, hờn…vận hành ra sao? cũng như nguyên nhân và thực chất của những tâm hành và đối tượng của những tâm hành này? để cuối cùng dứt khổ, giải thoát. Các vị Thiền sư đã từng nói, chỉ cần dứt tình phàm, đâu cần cầu thánh giải? Phàm tình này, đâu không phải là những tình chấp, những ma tánh xuất hiện hàng ngày trong ta hay sao? Trong kinh, Phật vẫn gọi là ma phiền não, những ma tánh này thường có mặt những khi đối duyên xúc cảnh, trong cuộc sống đời thường. Nếu ma tánh vẫn còn sâu dày và khống chế ta, làm sao Phật tánh hiển lộ? Có phải, hàng ngày ta sống bằng ma tánh của ta hay không? Từ sáng đến chiều, cái gì thường vận hành trong ta? Ai suy nghĩ? Ai nói năng? Ai cho mình giỏi, mình đúng, Ai cho mình là thế này, thế kia? Ai vui buồn khi cảnh thuận hay nghịch với những gì ta đặt để, cho là ?
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:
– Đạo ở đâu ?
Sư đáp:
– Ở trước mắt.
Ông tăng hỏi thêm:
– Sao con không thấy ?
Sư bảo:
– Vì ông còn có ngã (cái tôi).
Ông tăng hỏi tiếp:
– Con còn có cái tôi nên không thấy, vậy hòa thượng thấy không?
Sư đáp:
– Có ông, có ta rồi cũng không thấy.
Ông tăng lại hỏi thêm câu nữa:
– Không con, không kòa thượng lại thấy chăng ?
Sư đáp:
– Không ông không ta, còn ai cầu thấy ?
Những đám mây đen còn che kín, tuy mặt trời có đó nhưng làm sao hiễn lộ? Những ngày mây đen che kín, mưa gió và sấm chớp ầm ì, nếu có dịp đi phi cơ, ta thử để ý, khi phi cơ lên cao, vượt khỏi những lớp mây, bên trên là mặt trời sáng chói? Nhưng, mặt trời không thể chiếu xuyên qua những lớp mây dày để mặt đất sáng sủa được. Nếu mây tan, dưới đất sẽ không còn mưa bảo sấm chớp. Chỉ cần những đám mây thành kiến, định kiến, những khái niệm hay giỏi, đúng, sai..v.v…mà ta vay mượn để hình thành cái tôi của mình, những thứ này phải được tuệ giác thường xuyên soi chiếu, thì mới có ngày mây tan trăng hiện. Đây không phải “tình phàm hết, thể hiện bày” sao? Xin tiếp một ví dụ này để vấn đề sáng tỏ hơn. Có một người nghèo khổ, chỗ ở của anh là căn lều mục nát, anh sống lây lất qua ngày bằng cách xin ăn. Một hôm, có người tốt bụng nói với anh rằng: Ngay trong căn lều anh ở, dưới chỗ anh thường nằm ngủ có mỏ vàng. Ban đầu, anh không tin, nhưng đến mùa mưa dầm, anh không thể nào sống trong mái lều ấy, cũng như không đi xin ăn được. Một hôm, nhớ lời người tốt bụng, anh tìm mượn được cây cuốc, âm thầm đào đất dưới chỗ anh nằm, quả nhiên, có vàng, nhưng không thể xử dụng được vì còn lẫn lộn với quặng. Anh lại kiên trì học cách lọc quặng, đãi vàng. Quặng lọc tới đâu, vàng nguyên chất hiễn lộ tới đó. Dần dần, anh bán vàng, xây dựng nhà cửa, cơ sở, giúp đỡ những người nghèo khó trong làng có công ăn chuyện làm, đồng thời, anh tiếp tục lọc quặng. Cuối cùng, anh trở thành người giàu có nhất làng vì anh có những khối vàng, thuần vàng.
Trong thiền Đông độ, có giải ngộ và chân ngộ. Khi giải ngộ, hành giả chỉ hiểu và nhận ra mình có cái chân thật, (Phật tánh) nhờ nghe giảng hay nghiên cứu kinh, luận và thiền sử, trường hợp này, hoàn toàn là kiến giải, tức khái niệm về Phật tánh. Còn chân ngộ, hành giả cũng nghiên cứu kinh, luận và thiền sử, nhưng nhờ sự trăn trở, thao thức dứt khổ là động cơ đẩy mạnh công phu nội quán, bền bỉ và sâu sắc, đến lúc chín muồi, nhờ duyên ngoài tác động, như cơn gió thổi qua làm rụng trái chín. Trong giây phút chớp lòe ấy, Phật tánh hiển lộ, hành giả hỉ lạc vô cùng, những chấp thô rơi rụng nhưng những chấp trước vi tế ( nhỏ nhiệm, sâu, khó thấy) vẫn còn; ngay lúc này, cái chấp ngã ôm lại trạng thái ngộ và ý thức liền hình thành khái niệm kiến tánh, ngộ đạo. Từ đó cái tôi kiến tánh, cái tôi ngộ đạo có mặt. Ta khó nhận ra chỗ này, vì ta đang là một với cái thấy biết mới, cao hơn, nếu duyên may gặp người chỉ điểm, giúp ta vượt qua. Bằng không, ta dễ ỷ lại chỗ ngộ và nghĩ mình đã xong việc. Nếu lòng tha thiết muốn thoát ly sinh tử, đạt đến giải thoát hoàn toàn, hành giả sẽ dễ nhận ra chỗ này và tiếp tục rõ mình, rõ người trong những lúc đối duyên xúc cảnh, để thấu suốt những bóng mây còn ẩn kín, nhờ vậy, cái tôi và những thay mặt, đổi tên của cái tôi (phóng hiện của bản ngã), không còn lừa dối được ta . Đây là đoạn 153 -154 trong kinh Pháp Cú:
– Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi ! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch.
Gom những cột, kèo và đòn tay, người thợ đã xây dựng thành nóc nhà, xà nhà rồi thành căn nhà. Cũng như suốt đời ta vay mượn nhiều thứ bên ngoài để hình thành ngôi nhà ngã chấp. Người làm nhà đâu không phải chính cái tôi của mình hay sao? Đức Thế Tôn đã từng căn dặn: Vô ngã thị Niết Bàn. Khi nào rõ ràng, thấu suốt được cái tôi, khi ấy mới thực chứng Niết Bàn. Chính ngài, ngài đã phát hiện, đã chạm mặt người thợ làm nhà nên cái tôi tạo tác căn nhà sinh tử không còn tiếp tục nữa và ngôi nhà ấy cũng sụp đổ hoàn toàn. Ngài dứt khổ, giải thoát và thực chứng cái vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.
Ngay những câu đầu của đoạn kinh:
– Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi !
Lời than thật thiết tha, thật đau xót cho chính ta. Ta lang thang, trôi nổi, lặn ngụp trong khổ đau biết bao nhiêu đời kiếp rồi, nếu ta chưa gặp và chạm mặt người thợ làm nhà, thử hỏi, ta còn quanh quẩn, đắm chìm trong khổ đau luân hồi bao nhiêu đời kiếp nữa?
Ta đã từng đóng biết bao vai, tùy theo trình độ thăng tiến của ta, ta vẽ và xây biết bao nhiêu căn nhà, để rồi, ta khư khư bảo vệ nó, tô bồi nó, và khổ đau vì nó. Ta không biết, ngày nào chưa tìm ra người thợ làm nhà, là ngày đó ta còn xây nhà, còn ôm chặt những gì ta sở hữu, khi ai đụng đến những chấp cứng này, ta phiền não và sẵn sàng nhào ra chống trái, bảo vệ, gây tạo vô số tội, để cả cuộc đời không sao có ngày vui. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cuối cùng ta được gì và đi về đâu?
Nhận rõ sự vận hành của nội tâm để bắt gặp người thợ làm nhà, là ta đặt chân đến đầu nguồn của dòng sinh tử, làm chủ và đổi mới tâm thức mình để luôn hòa nhịp cùng sự mới lạ, tươi mát, trôi chảy của dòng đời và cảnh vật.
THÔNG HỘI
NGÃ CHẤP
Tất cả si mê lầm lạc không chừa thứ nào, đều được tạo ra do hậu quả của sự tập trung vào bản ngã. Khi thoát khỏi ngã chấp thì si mê không sinh. Ví dụ, giả sử bà con lối xóm đang cãi nhau. Nếu sự việc không liên hệ gì tới bạn, bạn sẽ bình tĩnh nghe lời qua tiếng lại, không nổi giận. Chẳng những thế, bạn còn có thể sáng suốt nhận định phải quấy, biết rõ ai đúng ai sai. Nhưng nếu việc cãi nhau có liên can đến mình, bạn sẽ thấy mình vướng vào một trong hai phe tranh chấp, chấp chặt những gì phe kia làm hoặc nói. Khi ấy bạn làm mờ đi cái diệu dụng chiếu sáng của tâm Phật nơi bạn. Trước kia, bạn có thể phân biệt phải quấy, nhưng bây giờ, bị ngã chấp dẫn đạo, bạn nhất định cho cái gì mình nói đúng là đúng, bất kể nó có đúng thật hay không. Khi giận dữ, bạn chuyển cái tâm Phật của mình thành ra tâm của loài tu la (quỷ chiến đấu), và thế là mọi người hăng tiết lao vào trận cãi vã cay chua.
Vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, nên mọi sự gì bạn đã làm đều tự nhiên để lại những cái bóng phản chiếu trong tâm. Chỉ khi nào bạn bám víu vào những cái bóng ấy, bạn mới phát sinh vọng tưởng. Những ý tưởng không thực sự có sẵn nơi những ảnh tượng được phản chiếu ấy, rồi sau khởi lên. Chúng ta lưu giữ những gì đã thấy và nghe trong quá khứ, và khi chúng hiện lên, thì đó là những ảnh tượng được phản chiếu. Lúc đầu, tư tưởng không có thực chất; nếu chúng được phản chiếu và khởi lên thì cứ để mặc chúng phản chiếu và khởi lên; nếu chúng chấm dứt thì cứ để mặc chúng chấm dứt. Nếu bạn không bám víu vào những cái bóng phản chiếu ấy thì vọng tưởng không sinh. Khi bạn không bám víu vào những ảnh tượng trong tâm, thì bạn không bị mê hoặc. Khi ấy, dù có bao nhiêu ảnh tượng được phản chiếu cũng như không. Dẫu trăm ngàn ý tưởng vọt lên cũng như chúng chưa từng sinh khởi. Điều đó sẽ không thành vấn đề đối với bạn – bạn không có ý tưởng nào cần phải dẹp bỏ hay cắt đứt. Hãy hiểu rõ điều này.
Thiền Sư Bankei