Có một câu chuyện kể về một ông già, cứ mỗi sáng, ông xách một giỏ thức ăn và một chai nước đi ngang khu phố thị kia, tới bờ sông, ngồi lại đó. Đến chiều mặt trời lặn, ông đi về. Đều đặn như thế. Anh gác gian của một ngôi biệt thự nọ rất kinh ngạc. Một hôm anh chặn ông già lại hỏi:- Xin nói cho tôi biết ông làm gì mà cứ sáng xách giỏ đi, chiều xách giỏ về. Tôi đã bỏ ra ba ngày, ra bờ sông xem ông làm cái chi nhưng không thấy ông làm gì cả. Ông chỉ ngồi chơi ngoài ấy, nhìn nước chảy, nhìn người qua lại, cười cợt với gió mây. Hỏi ai, ai cũng bảo ông là người rất bình thường. Vậy xin nói tôi nghe ông làm gì?Ông già cười đáp:- Trước khi tôi nói cho anh biết tôi làm cái chi, anh nói cho tôi biết anh làm cái gì đi!Anh kia đáp:- Giản dị lắm, ông biết tôi ngồi nơi cổng này, tôi làm công việc của người gác gian. Người nào đi vào tôi biết họ đi vào. Người nào đi ra tôi nhìn thấy họ đi ra. Giản dị vậy thôi!Ông già nói:- Ồ! Tôi cũng làm công việc giống anh.Anh kia đáp:- Ông nói vô lý. Ông đâu có cái cổng đặt bên ngoài toà biệt thự. Ông cũng không lãnh lương của ai, và ông ngồi cũng đâu thấy ai đi qua đi lại. Nói ông là người gác gian thì không đúng.- Ông hãy nghe tôi giải thích! Ông gác gian người bên ngoài. Tôi gác gian người bên trong. Tôi chỉ làm mỗi một việc là ngồi yên đấy, nhìn những người khách qua lại trong tâm thức của tôi. Những ngày đầu tiên, tôi thấy nhiều người qua lại quá. Này anh khách buồn, anh khách giận, anh khách ghét, thương, sầu tủi, bất an v.v.. luôn đi ngang, có khi từng đoàn người, đếm không xuể. Có điều vui là đi bao nhiêu thì cứ đi, tôi chỉ ngồi nhìn mỉm cười với những người khác đi qua ấy. Dần dần tôi phát giác càng ngày người đi càng ít. Rồi đến một lúc, dăm ba hôm mới có một người khách đến rồi đi. Người khách đó ở bên trong tôi.Ông thì ngồi gác cửa bên ngoài, tôi làm người chủ gác cửa bên trong. Việc chúng ta giống như nhau. Thế mà khác nhau vô cùng : ông thì ra ngoài, tôi vào bên trong”.
Thật ra Phật đã đau yếu từ ba tháng trước và đã khởi sự dặn dò người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà. Phật bảo A-nan-đà tập họp các đệ tử để nghe giảng và thông báo trước sự tịch diệt của mình.Lúc ấy Phật đã 80 tuổi. Trong những tháng cuối cùng, Phật đã gầy còm và mệt mỏi, nhưng vẫn đi thuyết giảng như thường, tuy không còn đi xa được nữa. A-nan-đà xin Phật hãy tĩnh dưỡng trong những ngày còn lại, nhưng Ngài khoát đi và dạy rằng:“Thân ta tuy có kém mạnh khoẻ, nhưng lòng từ bi của ta, trí sáng suốt của ta không kém sút. Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy không phải là một ngày vô ích”.Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía bắc-đông-bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp. Phật cất tiếng và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung quanh Ngài như thế này:“Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.Hãy nhìn vào thân xác các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng cho dục vọng chi phối các con.Hãy nhìn vào tâm thức các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng. Vì thế các con sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự duy trì những kiêu căng và ích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán. Các con chớ sợ hãi khi nhận thấy khổ đau cùng khắp mọi nơi, hãy noi theo những lời giáo huấn của ta, kể cả sau khi ta đã tịch diệt. Như thế các con sẽ loại bỏ được khổ đau. Thật vậy, cứ noi theo những lời giáo huấn của ta, rồi nhất định các con sẽ trở thành những đồ đệ thật sự của ta.Này các đồ đệ của ta, những lời giáo huấn ta giảng cho các con, các con đừng bao giờ quên, đừng bao giờ để cho mai một đi. Phải bảo tồn những lời giáo huấn ấy, đem ra nghiên cứu và thực hành. Nếu theo đúng những lời giáo huấn ấy, các con sẽ đạt được an vui.Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con phải kiểm soát được tâm thức các con. Hãy gạt bỏ mọi thèm muốn và giữ cho thân xác đứng thẳng, tâm thức tinh khiết và ngôn từ chân thật. Nếu các con biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ đủ khả năng loại bỏ mọi thèm khát và hung dữ đưa đến khổ đau.Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc vào ham muốn, các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốn và chận đứng sự cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con.Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác Ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo.Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng cãi vã. Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước với sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.Hãy cùng nghiên cứu với nhau, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không nên phí phạm tâm thức của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vã hay lười biếng. Hãy hân hoan đón nhận hoa thơm của Giác Ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy quả ngọt trên Đường Ngay Thật.
Những lời giáo huấn ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa hề gặp được ta, các con thật sự còn đang ở một nơi nào đó thật xa, dù cho trong lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta cũng vậy. Nhưng nếu ngược lại, các con chấp nhận và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.Hỡi các đồ đệ, phút cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là trống không mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn.Con quỷ của những dục vọng thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn độc trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra ngoài. Các con phải cắt đứt những mối dây ràng buộc của thèm khát thế tục và dứt bỏ những mối dây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng.Các con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con.Này các môn đệ của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác Ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí Tuệ của Giác Ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề giấu giếm điều gì trong những lời giáo huấn.Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết Bàn.Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con”.Người chép lại những lời này của Phật xin chắp tay mong rằng:- Vì Phật, chúng ta hãy đọc lại những lời nhắn nhủ trên đây thêm một lần.- Vì tất cả chúng sinh, vì sự đau khổ của muôn loài, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa.- Để gửi đến từng đơn vị nhỏ nhoi nhất của sự sống, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa, đọc thêm một lần nữa…Chúng ta nguyện sẽ đọc lên và đọc lên cho từng chúng sinh một, ta đọc cho đến khi nào những lời dặn dò trên đây của Phật trở thành những lời dặn dò xuất phát từ chính tâm thức ta, để nhắn nhủ cho chính ta, nhắn nhủ những người chung quanh ta,kể cả những sinh linh nhỏ nhoi nhất của sự sống. Khi những lời nhắn nhủ chân thật và tràn đầy Từ Bi trên đây của Phật trở thành làn hơi thở của của chính ta,thì biết đâu lúc ấy ta cũng sẽ là một vị Phật.
Bures-Sur-Yvette (Pháp quốc)(Biên soạn dựa theo một bài viết của Thiền sư và Giáo sư Triết học người Pháp Gérard Pilet, đăng trong nội san của Hội Thiền học Quốc tế AZI (Association Zen Internationale), trụ sở tại Paris, và tài liệu của Bukkyo Dendo Kyokai (Society For the Promotion of Bouddhism), trụ sở tại Tokyo).
Chùa Hòe Nhai nằm tại số 19 Hàng Than, Ba Đình, Hà nội. Nhiều tài liệu cho rằng chùa được xây dựng từ thời nhà Lý (1010 – 1225). Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất kinh đô Thăng Long xưa, nổi tiếng với nhiều tượng cổ, trong đó có pho tượng kép, thể hiện một vị vua quỳ để tượng Phật ngồi trên lưng trong gian chính điện.
Tượng Phật ngồi lưng vua hay còn có tên gọi khác là Vua sám hối. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê trung hưng. Năm 1678, vua ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni lên rừng, ai ngoan cố không rời khỏi kinh thành sẽ bị khép vào trọng tội và đem xử trảm khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Thiền sư Chân Dung Tông Diễn, Tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam, thấy vậy đã dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại. Nội dung bên trong chủ yếu nói về việc “đời Lý, Trần các vua vì hết sức coi trọng đạo Phật mà quốc gia thịnh trị, khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia”.
Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo. Vua Lê Hy Tông hứa với thiền sư Tông Diễn rằng, ông sẽ sửa mình và cho người tạc bức tượng Phật ngồi lưng vua đặt trong chùa Hòe Nhai. Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo.
Sau 21 năm chung sống, một ngày tự nhiên vợ của Peter nói với ông: -Anh hãy mời một phụ nữ khác đi ăn tối, xem phim. Em yêu anh, nhưng em biết người đó cũng yêu thương anh và muốn dành thời gian ở bên cạnh anh. Peter thật bất ngờ khi nghe vợ khuyên, nhưng khi vợ “bật mí” người ấy chính là mẹ ruột của ông thì Peter vui vẻ điện thoại ngay. Mẹ của Peter góa bụa đã 19 năm và sống một mình. Peter bận rộn công việc, con cái nên rất ít gặp mẹ. Nhận được điện thoại mời ăn tối của Peter, người mẹ ngạc nhiên hỏi: -Có chuyện gì không ổn hả con? Con khỏe không ?Peter trấn an mẹ nói:-Mọi chuyện vẫn tốt, đơn giản là con muốn hai mẹ con mình đi ăn tối với nhau. Cuối tuần đó, Peter lái xe đến đón mẹ. Khi Peter vừa đến cửa, mẹ đã đứng đợi. Bà mặc lại bộ váy áo trang trọng của dịp kỷ niệm ngày cưới lần cuối cùng. Bà không quên uốn tóc và trang điểm nhẹ. Bà cười rạng rỡ: -Mẹ khoe với bạn là con mời mẹ đi ăn tối, các bà ấy rất ấn tượng về điều này. Người mẹ vô cùng tự hào khi khoác tay con trai bước vào một nhà hàng ấm cúng và nổi tiếng với thức ăn ngon. Lúc Peter xem thực đơn, bà lại mỉm cười: -Nhìn cảnh này, mẹ nhớ lúc con còn bé, mẹ toàn xem thực đơn để chọn món ăn phù hợp với con. Peter trìu mến:-Bây giờ con sẽ làm thay mẹ”. Họ say sưa trò chuyện suốt bữa tối. Khi Peter tiễn mẹ về đến nhà, người mẹ nói: -Lần sau chúng ta lại đi ăn tối với nhau nhé, nhưng hãy để mẹ mời con. Chưa đầy một tuần sau, mẹ của Peter qua đời vì một cơn đau tim đột ngột. Ít lâu sau, Peter nhận được một phong bì trong đó có bản sao một hóa đơn trả trước ở chính nhà hàng mà Peter và mẹ mới đến ăn tối. Kèm với hóa đơn là lời nhắn của mẹ: “Con trai thân mến. Mẹ đã trả tiền trước cho hóa đơn này. Mẹ không chắc có thể cùng con trở lại đây lần nữa, nhưng mẹ vẫn trả tiền cho hai phần ăn dành cho con và con dâu của mẹ. Chắc con không biết rằng bữa tối hôm ấy có ý nghĩa thế nào với mẹ. Thương con nhiều”.
Câu chuyện bắt đầu từ em bé hơn 10 tuổi, bố em là một người lính Mỹ đã hy sinh khi em mới 5 tuần tuổi. Một hôm, trên đường từ bãi đỗ xe vào nhà hàng em nhặt được tờ 20 đô la. Mẹ bảo em có thể mua gì tùy thích, nhưng em đã làm một việc mà không ai nghĩ đến…
Em gửi tờ 20 đô la đến một người lính Mỹ không quen biết gặp được ở nhà hàng để thanh toán cho bữa tối của anh, kèm theo một lời nhắn với nội dung: Bố cháu cũng là một người lính nhưng ông ấy đang ở trên Thiên đường. Cháu rất vui khi gửi tờ 20 đô la cho chú. Cảm ơn chú đã vì mọi người mà bảo vệ đất nước của chúng ta…
Sau khi gửi lời nhắn và 20 đô la, cậu nói với mẹ là muốn gặp bố để nói cho bố biết. Khi mẹ đưa cậu ra nghĩa trang quốc gia, cậu ôm lấy ngôi mộ của người cha, vừa khóc vừa kể lại quá trình cậu nhặt được tờ 20 đô la và cuối cùng cậu gửi tờ 20 đô la cho người lính mà cậu không quen biết.
Người lính Mỹ khi nhận được lời nhắn và tờ 20 đô la thì suy nghĩ: Tại sao một đứa trẻ xa lạ lại gửi cho mình tờ 20 đô la? Anh cảm thấy mình phải sống làm sao cho xứng đáng với tấm lòng của cậu bé. Anh bèn sao lại lời nhắn và gửi tới nhiều quỹ từ thiện, mỗi bức thư anh ấy lại kẹp một tờ 20 đô la vào trong.
Sự việc ngày càng lan tỏa, rất nhiều người biết về hành động cao đẹp của cậu bé và của người lính. Một đài truyền hình địa phương đã làm chương trình về họ. Như vậy, ngày càng có nhiều người hơn nữa biết về câu chuyện đẹp mong muốn tặng cho cậu bé nhiều món quà giá trị. Tuy nhiên, cậu bé đã từ chối và nói rằng:
Có rất nhiều trẻ em có bố hoặc mẹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Cậu muốn có một quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ những đứa bé đã mất cha, mẹ khi làm nhiệm vụ cao cả.
Thật không ngờ, quỹ từ thiện của cậu bé không lâu sau đã quyên góp được hơn 2 triệu đô la. Số tiền đó nhằm giúp đỡ cho những em bé đã mất bố hoặc mẹ khi họ tình nguyện hy sinh vì “Những giá trị” mà nước Mỹ theo đuổi.
Cậu bé trong câu chuyện trên là Myles Eckert và người lính nhận được “món quà 20 USD” là anh Frank Daley. Họ đều sống tại bang Ohio của nước Mỹ. Câu chuyện xảy ra từ tháng 2/2014, nhưng cho đến nay nó vẫn là một giai thoại đẹp về nước Mỹ được nhiều người ca tụng.
Dù nước Mỹ chưa phải là hình mẫu lý tưởng của thế giới, nước Mỹ càng không phải là thiên đường, nhưng nước Mỹ có những công dân tử tế, những đứa trẻ thuần khiết và lương thiện, đủ để họ trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Phải chăng, “giá trị thực” của nước Mỹ không phải nằm ở khối tài sản khổng lồ, mà chính ở những con người sẵn sàng sẻ chia với người khác… ./.